Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Ba năm ghép tạng tiến tới ghép tay từ người cho sống

27 tháng Chạp, cả Hà Nội chuẩn bị đón Tết. Giáo sư Mai Hồng Bàng và các cộng sự Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn đang tất bật cho một nhiệm vụ đặc biệt: Phẫu thuật ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.

"Lấy tay của một người cho sống để ghép cho một bệnh nhân khác, câu chuyện chưa từng có trong tiền lệ của y học", ông Bàng nói.

Đây là một ca phẫu thuật vô cùng phức tạp. Một bệnh nhân bị tai nạn hoại tử cánh tay trái buộc phải tháo bỏ, nhưng bàn tay trái còn lành lặn. Bàn tay đó lại phù hợp với bệnh nhân Phạm Văn Vương, 31 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội đã mất bàn tay hơn bốn năm vì tai nạn lao động. Trồng nối tay của chính người bệnh đã là kỹ thuật vô cùng khó khăn, huống hồ ghép tay từ một người khác hiến tặng.

"Đây là một thách thức trên mặt trận y khoa", Giáo sư Bàng nhận định.

Ông Bàng cho biết thêm, ghép chi thể có độ thải ghép rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với phổi, thận, tim, gan... đồng thời phải sử dụng thuốc chống thải ghép liều cao trong 10 ngày đêm, sẽ làm suy giảm miễn dịch cơ thể. Điều kiện ấy tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong cơ thể, nếu đánh giá, điều trị và dự phòng không tốt sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

Giáo sư Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: L.N

Giáo sư Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: L.N

Là người quyết định, ông Bàng đặt lên bàn cân sự được - mất của ca mổ. Nếu ca mổ thành công, bệnh nhân sẽ có cuộc đời mới, ngành y tế sẽ cũng sẽ có thắng lợi mới, thế giới biết đến. Thất bại, thì ông chưa nghĩ tới.

Sau nhiều lần hội chẩn, cân nhắc từng chi tiết nhỏ nhất, quyết định phẫu thuật được người thuyền trưởng đưa ra. Đại tá Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện được chỉ định trực tiếp chỉ huy "chiến dịch". Một ekip được thành lập với những thành viên ưu tú nhất của nhiều khoa, phòng, ban của bệnh viện.

Kinh nghiệm về tạo hình, vi phẫu mạch máu thần kinh của bệnh viện ngang tầm thế giới. Nhưng để tìm được người chết não hiến tạng đồng ý hiến chi thể vẫn là con số không. Danh sách chờ ghép chi thể ngày càng nối dài, nhưng tất cả những trường hợp hiến đa tạng, đều lắc đầu khi được hỏi đến hiến chân, tay.

"Cho đi là còn lại mãi. Bàn tay đó thay vì trở về với cát bụi sẽ được sống lại trên cơ thể một người khác, làm nhiều việc có ích cho đời", ông Bàng và các bác sĩ thuyết phục người bệnh hiến tặng bàn tay. Bệnh nhân này đã trải qua 18 ngày điều trị, ba ca phẫu thuật, phần cánh tay bị hoại tử dần, buộc phải cắt bỏ. Nếu không bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, có thể nhiễm trùng toàn thân, tử vong bất kỳ lúc nào.

May mắn, người bệnh và gia đình đồng ý hiến.

Mọi thứ đều chín muồi, từ cơ sở vật chất đến con người, Giáo sư Bàng nói với đồng nghiệp 'nếu không làm bây giờ khi không bao giờ làm được'.

Hơn 20 năm qua, thế giới đã có 89 ca ghép chi thể đồng loài, trong đó ghép cẳng tay được thực hiện nhiều nhất tại Mỹ là 24 trường hợp. Tất cả các trường hợp được ghép đều lấy từ nguồn từ người cho chết não, chưa có một ca ghép chi thể nào từ người cho sống.

"Việc mình dùng phần thừa của chi thể bị cắt đứt để ghép cho người khác là sáng tạo thế giới chưa có" bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng khẳng định.

Trong ghép chi thể đồng loại, khó nhất là ghép cổ tay và cẳng tay vì nơi đây có tới 43 cơ, 8 mạch máu lớn, vô số dây thần kinh phức tạp để điều khiển cử động vô cùng tinh tế của bàn tay. Nếu phẫu thuật hoàn thành nhưng bàn tay không thể cử động được là vô nghĩa, sẽ phải tháo ra, trường hợp xấu hơn, ghép cánh tay từng bị hoại tử, gây nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong.

Với riêng kỹ thuật ghép, bác sĩ thực hiện phải thành thạo cùng lúc 3 kỹ năng: Vi phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình và chấn thương chỉnh hình.

Toàn bộ quá trình ghép tay cho anh Vương mất 8 tiếng. Khi bệnh nhân tỉnh lại sau ca phẫu thuật và dần cử động được các ngón tay cũng là lúc Hà Nội đã bước sang năm mới. Cả 'bộ tư lệnh chiến dịch' vỡ òa trong niềm vui. Hôm 24/2, bệnh viện công bố ca phẫu thuật, anh Vương xuất hiện khoẻ mạnh với bàn tay mới, đã cử động, cầm nắm được.

Giáo sư Bàng cùng đồng nghiệp thăm bệnh nhân Vương sau ca ghép thành công. Ảnh: Đức Khánh.

Giáo sư Bàng cùng đồng nghiệp thăm bệnh nhân Vương sau ca ghép thành công. Ảnh: Đức Khánh.

Nếu chỉ nhìn vào sự thành công một ca phẫu thuật vô cùng phức tạp, ít người biết đó là cả một chặng đường dài đầy gian truân.

Giữa năm 2012, Giáo sư Bàng nhận được tin một người đồng ngũ bị vỡ tĩnh mạch thực quản do xơ gan giai đoạn cuối. "Để cứu sống chỉ có cách ghép gan càng sớm càng tốt", nói với người Công ty dịch thuật Sài Gòn 247 Blog thân của đồng đội như vậy nhưng ông Bàng biết việc ghép gan lúc bấy giờ còn rất khó khăn trong điều kiện y tế ở Việt Nam.

May mắn nhờ có người hiến gan phù hợp và có sự nỗ lực rất lớn của các bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công. Ông Bàng nhận ra một hướng đi đầy thách thức đó là phải tiến hành ghép mô bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện 108.

Khó khăn càng hun đúc khát vọng, ông Bàng cùng các cộng sự đã quyết tâm xây dựng đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108". Đề án phải bảo vệ qua nhiều cấp từ Bộ Quốc Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế... sau đó trình Thủ tướng phê duyệt.

Những cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết nhất được đầu tư bài bản. Các bác sĩ được đầu tư đi học ghép mô tạng tại những trung tâm đầu ngành trong và ngoài nước. Chiến lược "trồng cây, trồng người" của ông cũng đến ngày hái quả.

Cuối năm 2016, Bệnh viện 108 thực hiện ca ghép thận đầu tiên cho một đại tá quân đội bị suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. "Suốt 5 tiếng đồng hồ, dù không trực tiếp ở phòng phẫu thuật song tôi rất lo lắng. Nếu không may thất bại, mình sẽ đối diện với đồng đội thế nào? Đó là 5 tiếng dài nhất cuộc đời tôi. Nó cũng quyết định thành bại của đề án và công sức của hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên", ông Bàng hồi tưởng.

Ca phẫu thuật thành công giúp ông Bàng và tập thể Bệnh viện 108 vững tin trên hành trình hồi sinh sự sống cho người bệnh bằng phương pháp ghép mô bộ phận cơ thể, từ ghép thận đã tiếp tục ghép gan, phổi... Đề án được mở rộng, thôi thúc ông Bàng và các đồng nghiệp nghiên cứu phương pháp ghép chi thể cho bệnh nhân mất tay, chân.

Ca ghép chi thể từ người cho sống là một bước tiến lớn của Bệnh viện 108 và cũng góp phần đưa y học Việt Nam tiệm cận thế giới. Là một quân nhân, ông nuôi dưỡng khát vọng thực hiện những ca phẫu thuật ghép chi thể cho thương binh, như một tri ân của người thầy thuốc tới những đồng đội đã hy sinh một phần xương máu cho hoà bình, độc lập dân tộc.

"Hành trình sau hơn một thập kỷ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giờ đây có thể trở thành một trong những Trung tâm ghép tạng uy tín trong nước và khu vực", nhận định của bác sĩ Hoàng Anh Dũng - chuyên gia ghép tạng của Vương quốc Bỉ và châu Âu. Với giáo sư Bàng, "chặng đường còn dài và mọi điều vẫn đang ở phía trước".

Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét